Các rối loạn tâm thần phổ biến, bao gồm rối loạn trầm cảm ở người lớn và các khó khăn về hành vi ở trẻ em rất phổ biến ở tất cả các nước. Việt Nam cũng đang phải gánh chịu gánh nặng của ác bệnh này tương tự như ở nhiều nước trên thế giới khác.
Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) đang phối hợp cùng trường Đại học Simon Fraser, Canada thực hiện dự án 3 năm có tên gọi “Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người lớn và trẻ em – Sáng kiến tiết kiệm chi phí” dưới sự tài trợ của Quỹ Cạnh tranh Canada (GCC) và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (MOLISA). Dự án này gồm 02 cấu phần: 01 cấu phần dành cho đối tượng người lớn bị trầm cảm và 01 cấu phần dành cho trẻ em có những khó khăn về hành vi có tên gọi Mô hình Gia Đình Vững Mạnh (SF). Cấu phần dành cho người lớn sẽ được thực hiện tại 8 tỉnh của Việt Nam, bao gồm: Thanh Hóa, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bến Tre và Long An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Nam. Hà Nội được chọn để thử nghiệm mô hình SF.
Mục đích chính của dự án là nhằm tăng cường sự chăm sóc và phát triển năng lực trong chăm sóc cho vả người lớn và trẻ em mắc các chứng rối loạn tâm thần phổ biến. Dự án sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Dự án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần và rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 – 2020 (Quyết định 1215/QD-TTg ngày 22/7/2011).
Trong phần hỗ trợ điều trị trầm cảm cho người lớn dựa vào cộng đồng, dự án sẽ tổ chức một số hoạt động sau: (1) Tổ chức các lớp tập huấn cho các giảng viên và giám sát viên tuyến tỉnh ở các tỉnh tham gia, (2) tập huấn cho các nhân viên công tác xã hội và cán bộ y tế xã, (3) sàng lọc và quản lý trầm cảm ở mức độ cộng đồng (với sự kết nối giữa y tế và xã hội), (4) chuyển gửi người trưởng thành có bệnh tâm thần nặng tới các dịch vụ phù hợp hơn, (5) thu thập dữ liệu, phân tích và đánh giá thành công của phương pháp can thiệp nhằm cung cấp cho Bộ LĐTBXH bằng chứng khoa học trong việc hoạch định chính sách.
Về phần thử nghiệm mô hình Gia Đình Vững Mạnh (SF) trong chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, dự án sẽ tập trung điều chỉnh mô hình SF cho phù hợp với bối cảnh tại Việt Nam. Hoạt động chính bao gồm sàng lọc và phát hiện sớm những khó khăn về hành vi ở trẻ em và can thiệp sớm thông qua phụ huynh với sự trợ giúp từ mạng lưới công tác xã hội.