Vấn đề sức khỏe tâm thần tại Việt Nam
Rối loạn tâm thần góp phần đáng kể tạo nên gánh nặng bệnh tật ở tất cả các quốc gia. Theo điều tra về sức khỏe tâm thần của Tổ chức Y tế Thế Giới được thực hiện tại 17 quốc gia, tỷ lệ dân số đã từng có rối loạn tâm thần cao nhất ở Hoa Kỳ (47.4%) và thấp nhất ở Nigeria (12%). Các quốc gia châu Á có tỷ lệ tương đối thấp trong khoảng từ 13.2% ở Trung Quốc, 14.4% ở Iran tới 18% ở Nhật (Kessler et al., 2007; Fakhari et al., 2007). Tại Việt Nam, các vấn đề rối loạn tâm thần chưa được nghiên cứu đầy đủ. Một cuộc khảo sát dịch tễ học toàn quốc về 10 bệnh rối loạn tâm thần phổ biến trong thời gian 2001-2003 cho thấy khoảng 14.9% dân số có vấn đề liên quan đến các rối loạn tâm thần này. Ước tính từ nghiên cứu này cho biết khoảng 12 triệu người cần đến dịch vụ sức khỏe tâm thần.
Các vấn đề về rối loạn tâm thần thường gặp nhất là tình trạng lạm dụng rượu (5,3%), trầm cảm (2,8%) và lo lắng (2,6%) (NPHNo1, 2002). Việc sử dụng các loại ma túy từ các khu vực nông thôn và miền núi đến các đô thị đã dẫn đến một sự gia tăng đáng kể trong việc lạm dụng ma túy từ 78 người nghiện ma túy trên 100.000 dân năm 1994 lên đến 208 người trên 100.000 dân năm 2004 (Nguyễn và Scannapieco, 2008). Liên quan đến lạm dụng rượu, 16,3% nam giới có nguy cơ phụ thuộc vào rượu (được định nghĩa là trung bình uống hơn 2.4 cốc mỗi ngày); 7,9% là nghiện rượu và 1,97% là người sử dụng ở mức có hại cho sức khỏe (Giang và cộng sự, 2005). Một nghiên cứu của Minh và cộng sự năm 2008 cho thấy rằng 66,7% nam giới trong độ tuổi từ 25 và 44 tiêu thụ hơn 3 cốc mỗi ngày trong tháng trước đó, đáng chú ý là tỷ lệ này cao hơn so với nam giới trong độ tuổi từ 45-64 (59%) và nam giới trong độ tuổi 65-74 (53,4%) (Minh và cộng sự, 2008).
Rối loạn trầm cảm có tỷ lệ cao thứ hai trong các rối loạn tâm thần (NPHNo1, 2002). Một nghiên cứu trên cộng đồng ở đối tượng 14-25 tuổi cho thấy rằng 32% trong số họ có đã từng cảm thấy buồn về cuộc sống của họ nói chung, 25% cảm thấy buồn hay bất lực mà họ không còn có thể tham gia vào các hoạt động bình thường và cảm thấy khó khăn để hoạt động, và 21% cảm thấy thất vọng về tương lai của họ, 0,5% cho biết đã từng cố gắng tự tử và 2,8% đã cố tình gây thương tích hoặc gây tổn thương cho bản thân. Tỷ lệ tự tử cao nhất được báo cáo cho nhóm nam thanh niên, đặc biệt là trong khoảng 18-21 tuổi, là 6,4% ở những người sống ở khu vực đô thị và 4,1% ở những người sống ở khu vực nông thôn (Bộ Y tế, 2005). Kết quả tương tự cũng được tìm thấy trong nghiên cứu của Hương và cộng sự năm 2006, nghiên cứu này cho thấy 8,9% người tham gia đã từng nghĩ về tự tự, 1,1% cho các kế hoạch tự tử và 0,4% cho những cố gắng tự tử.
Viện PHAD đang hợp tác cùng Đại học SFU (Canada), Đại học Melbourne (Australia) thiết kế và triển khai các mô hình can thiệp sàng lọc và can thiệp sớm trầm cảm dựa vào cộng đồng sử dụng Kỹ năng tự kiểm soát trầm cảm từ Đại học SFU Canada.
Vấn đề Bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam
Mặc dù Việt Nam vừa thoát khỏi danh sách các nước thu nhập thấp để lên các nước có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đã bắt đầu phải đối phó với tình trạng tăng nhanh của nhóm các bệnh không lây nhiễm. Các bệnh tim mạch, ung thư, đái đường, các rối loạn tâm thần và nghiện chất (bao gồm cả rượu, thuốc lá, ma túy) lại trở thành các vấn đề về sức khỏe cộng đồng và làm tăng cao gánh nặng bệnh tật.
Viện PHAD đang hợp tác với các Trường Đại học Y khoa hàng đầu tại Hoa Kỳ, Úc và Canada tiến hành các can thiệp về phòng chống cao huyết áp, Cai nghiện thuốc lá tại Việt Nam.
Các dự án về Bệnh không lây nhiễm đang được Viện PHAD triển khai tại Việt Nam
1) Dự án Cai nghiện thuốc lá qua tin nhắn kết hợp tổng đài cai nghiện thuốc lá quốc gia M2Q2, hợp tác với Đại học Y Massachusett, nguồn NIH (R01), 2018-2023
2) Dự án IRIS-DVS – hỗ trợ tìm hiểu các yếu tố thuận lợi và cản trở việc mở rộng mô hình tự kiểm soát trầm cảm tại cộng đồng từ dự án MAC-FI
Các dự án đã triển khai
3. Dự án “Chúng tôi nói về bệnh tăng huyết áp – We talk about intervention”, hợp tác cùng đại học U-Mass, nguồn NIH(R21), 2015-2017
4. Dự án Đánh giá hiệu quả Hỗ trợ tự kiểm soát trầm cảm dự vào cộng đồng – MAC-FI”, dự án hợp tác cùng đại học SFU-Canada, Đại học Melbourne – Australia, Grand Challenge Canada, 2015-2018
5. Dự án thử nghiệm mô hình Tự kiểm soát trầm cảm dựa vào cộng đồng và Y tế cơ sở, hợp tác cùng Đại học SFU, Canada, nguồn tài trợ Grand Challenge Canada, 2013-2015