Thời gian: Tháng 7/2012 – Tháng 12/2012
Việt Nam là một nước nhiệt đới và là vùng có nhiều bệnh dịch lưu hành. Theo luật phòng chống bệnh dịch lây truyền, Việt Nam có tới 28 bệnh dịch cần phải giám sát. Số liệu gửi về tuyến trung ương được thu thập từ các trạm y tế, bệnh viện huyện, tỉnh và các phòng khám, bệnh viện tư nhân. Theo qui định hàng tuần, hàng tháng, một số bệnh thậm chí hàng ngày, nhân viên y tế phải gửi báo cáo từ xã lên huyện/quận và từ quận/huyện gửi lên tỉnh/thành phố và từ Tỉnh/thành phố gửi lên Bộ Y tế/ Viện VSDT khu vực.
Một trong những khó khăn nhất của hệ thống báo cáo hiện tại là gửi báo cáo giấy, số liệu thường không đồng bộ và thông tin không cập nhật, chính xác và không tiến hành phân tích sâu được. Thường chỉ có tổng số các bệnh mắc, phân theo giới và có tử vong hay không.
Bắt đầu từ tháng 7/2012-12/2012, PHAD hợp tác cùng NIHE, Đại học UCLA và Đại học Columbia tiến hành thử nghiệm mô hình báo cáo bệnh dịch bằng tin nhắn SMS. Hai bệnh được đưa vào thử nghiệm là tiêu chảy và bệnh có biểu hiện giống cúm. Ngay sau khi khám bệnh và được chẩn đoán là tiêu chảy hoặc bệnh có biểu hiện giống cúm, thông tin về bệnh nhân được gửi ngay về 1 số điện thoại nhận báo dịch, thông tin sau đó được tổng hợp và đưa ngay về Viện vệ sinh dịch tễ TW và Bộ Y tế. Và tỉnh tham gia vào thử nghiệm là Hưng Yên và Hòa Bình, mỗi tỉnh chọn 2 huyện và mỗi huyện chọn 5 xã tham gia.
Đây là mô hình thử nghiệm giám sát dịch bằng SMS đầu tiên tại Việt Nam và số liệu được cập nhật thường xuyên, gần như tức thì sau khi gửi số liệu từ xã (live). Thông tin nhận được giúp cán bộ y tế, lãnh đạo không chỉ nắm bắt được chính xác số lượng tuyệt đối mà còn hỗ trợ phân tích sâu giúp chẩn đoán, dự phòng bệnh tốt hơn.