Dân số Việt Nam đang già đi nhanh chóng nhưng có rất ít thông tin về sự già hóa và sức khỏe ở Việt Nam và rất ít dữ liệu về chăm sóc sức khỏe và chăm sóc người già ở Việt Nam đặc biệt là chứng mất trí, mất ngủ, khối lượng cơ và tử vong. Ngoài ra, chúng ta không biết các yếu tố liên quan đến chất lượng cuộc sống của người già và điều gì xác định chất lượng cuộc sống của họ. Đặc biệt, không có nghiên cứu theo chiều dọc nào cho nhóm dân số già ở Việt Nam được thực hiện.
Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) hợp tác với đại học Nihon, Nhật Bản thực hiện Nghiên cứu dọc về Người cao tuổi và Sức khỏe ở Việt Nam với sự tài trợ từ Viện Nghiên cứu Kinh tế Đông Nam Á và Đông Á (ERIA). Nghiên cứu này nhằm 1) Mô tả tình trạng sức khoẻ người cao tuổi tại Việt Nam; 2) Tìm hiểu các mối liên quan đến tình trạng sức khoẻ người cao tuổi tại Việt Nam; 3) Tìm hiểu những thay đổi về tình trạng sức khoẻ của người cao tuổi được tiến hành tại nghiên cứu này và những nghiên cứu cắt ngang đã thực hiện ở Việt Nam; 4) Tìm hiểu những thay đổi về tình trạng sức khoẻ của người cao tuổi qua nghiên cứu theo chiều dọc tại Việt Nam; 5) Tìm hiểu các yếu tố tiềm năng quyết định những thay đổi về tình trạng sức khoẻ người cao tuổi ở Việt Nam; và 6) Ước tính các kỳ vọng về sức khoẻ theo giới, nơi sống (thành thị/nông thôn), học vấn để tìm hiểu sự bất bình đẳng giữa các nhóm dân số già ở Việt Nam.
Khoảng 6000 người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên đại diện cho 10 tỉnh của 6 vùng sinh thái của Việt Nam sẽ được chọn ngẫu nhiên để tham gia vào nghiên cứu. Vòng đầu tiên của nghiên cứu được tiến hành trong năm 2018-2019, và vòng theo dõi tiếp theo vào năm 2020-2021.
Viện Dân số, Sức khỏe và Phát Triển (PHAD) đã phối hợp cùng Sở Y tế, Chi cục dân số, các Viện nghiên cứu trên địa bàn 10 tỉnh của nghiên cứu để tiến hành điều tra ban đầu của Nghiên cứu dọc về Người cao tuổi và Sức khỏe tại Việt Nam (LSAHV) từ tháng 12/2018 – tháng 5/2019. Tại mỗi tỉnh, chúng tôi tổ chức lớp tập huấn trong 2 ngày cho điều tra viên để phỏng vấn và đo các chỉ số sức khỏe. Đã có 6,050 người cao tuổi từ 60 trở lên tham gia nghiên cứu. Trong đó có 5,782 người được đo các chỉ số sức khỏe như cân nặng, chiều cao, tốc độ di chuyển, lực nắm tay… và 5,347 người được đo các chỉ số bên trong cơ thể như cơ, mỡ, xương, nước trong cơ thể.
Các kết quả chủ yếu của nghiên cứu sẽ được công bố rộng rãi tại cuộc họp chia sẻ kết quả nghiên cứu dự kiến tổ chức vào giữa tháng 12/2019.
Vòng điều tra tiếp theo của nghiên cứu sẽ được tiến hành vào cuối năm 2020.
Báo cáo điều tra ban đầu của nghiên cứu Nghiên cứu dọc về Người cao tuổi và Sức khỏe tại Việt Nam