Đăng bởi Admin vào ngày Tháng mười 1st, 2018 trong mục

Thông báo mời thầu – Tư vấn lập hồ sơ khoan giếng thăm dò và khai thác nước dưới đất trên địa bàn xã dự án – Dự án Local Works

Dự án: Các Hoạt động Địa phương Việt Nam vì Sức khỏe Môi trường
Địa điểm thực hiện: Các xã dự án thuộc hai tỉnh Hà Nam và Thanh Hóa
Báo cáo: Giám đốc Dự án, Ban Quản lý Dự án
Thời gian dự kiến: 11/2018 – 09/2019
Hình thức hợp đồng: Trọn gói
Hình thức lựa chọn nhà thầu: Chỉ định thầu
Quốc gia: Việt Nam

1. Thông tin chung về dự án
1.1 Bối cảnh
Việt Nam nói chung và các xã vùng nông thôn hai tỉnh Hà Nam và Thanh Hóa đã có những bước tiến đáng kể trong cả hai chỉ số kinh tế và y tế trong vài thập kỷ gần đây. Tuy nhiên, nhiều xã thuộc vùng nông thôn tại Việt Nam, đặc biệt là các xã nghèo, tiếp tục đối mặt với những khó khăn và thách thức về các vấn đề phát triển. Trong những thách thức này, vấn đề về sức khoẻ như các bệnh tiêu chảy, các bệnh về da, mắt hột, giun sán, và các bệnh khác có liên quan đến vệ sinh và nước sinh hoạt của trẻ em và người dân tại các xã nghèo vùng nông thôn nổi lên như một vấn đề y tế công cộng nổi cộm và phổ biến ở nhiều địa phương trong cả nước, trong khi các giải pháp cần thiết và tổng thể hoặc là chưa có, hoặc là có nhưng rất đắt đỏ hoặc chưa phù hợp, còn các mô hình hỗ trợ sức khoẻ thì rải rác, quy mô nhỏ và không hiệu quả.
Chính phủ cũng đã xác định tầm quan trọng của việc duy trì và bảo vệ sức khoẻ người dân thông qua nhiều văn bản quan trọng như “Chiến lược Bảo vệ Môi trường đến năm 2020 và Tầm nhìn 2030” (Quyết định 1216/QĐ-TTg ngày 5/9/2012), “Chương trình Mục tiêu Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn” (Quyết định 366/QĐ-TTg, ngày 31/2/2012), và gần đây là Quyết định 622/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017 phê duyệt và ban hành “Kế hoạch Hành động Quốc gia Thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hiệp quốc về sự Phát triển Bền vững”.
Trong bản Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững của Thủ tướng Chính phủ nói trên, con người được đặt là trung tâm của sự phát triển bền vững nhằm phát huy tối đa nhân tố con người với vai trò là chủ thể, nguồn lực chủ yếu, đồng thời cũng là mục tiêu của phát triển bền vững. Bản kế hoạch nhấn mạnh việc tạo điều kiện cho mọi người và mọi cộng đồng trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển, được tiếp cận các nguồn lực chung, và được tham gia đóng góp và hưởng lợi để tạo ra những nền tảng vật chất, tri thức và văn hóa tốt cho các thế hệ kế tiếp, đảm bảo không ai bị để lại phía sau. Bản kế hoạch cũng xác định khoa học kỹ thuật là nền tảng hỗ trợ và là động lực cho phát triển bền vững đất nước, và đặc biệt chú trọng phát triển công nghệ hiện đại, xanh, sạch, đẹp, và thân thiện với môi trường đồng thời ưu tiên sử dụng rộng rãi các công nghệ xanh trong các ngành sản xuất và đời sống.
Bản kế hoạch phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030 của Thủ tướng chính phủ ban hành năm 2017 có 17 mục tiêu lớn, trong đó dự án này sẽ tập trung hướng đến việc hỗ trợ và triển khai mục tiêu thứ 3 của bản kế hoạch đó là “Đảm bảo cuộc sống khoẻ mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người mọi lứa tuổi”. Các hoạt động của dự án cũng sẽ góp phần thực hiện một số mục tiêu cụ thể khác của bản kế hoạch như: a) Mục tiêu cụ thể số 2.2: Giảm tất cả các hình thức suy dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho các đối tượng là trẻ em, trẻ em gái vị thành niên, phụ nữ mang thai và người cao tuổi; b) Mục tiêu cụ thể số 3.2: Đến năm 2030, chấm dứt… các dịch bệnh do nguồn nước và các bệnh truyền nhiễm khác; c) Mục tiêu cụ thể số 3.8: Đến năm 2030, giảm đáng kể số ca mắc bệnh và tử vong do các hóa chất độc hại và ô nhiễm môi trường không khí, đất và nước; và d) Mục tiêu cụ thể số 6.1: Đến năm 2030, đảm bảo khả năng tiếp cận đầy đủ và công bằng với nước uống và sinh hoạt an toàn, trong khả năng chi trả cho tất cả mọi người.

1.2 Địa bàn triển khai
Hà Nam là một tỉnh nằm ở vùng đồng bằng sông Hồng, phía Bắc tiếp giáp với Hà Nội, phía Đông giáp với tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, phía Nam giáp tỉnh Ninh Bình, Đông Nam giáp tỉnh Nam Định và phía Tây giáp tỉnh Hòa Bình. Đến năm 2014, Hà Nam có tổng dân số 794.300 người với mật độ 923 người/km2. Tỉnh Hà nam đã có nhiều năm hợp tác cùng Viện PHAD trong triển khai thành công dự án phòng chống giảm lây truyền HIV cho người nghiện ma túy tại cộng đồng từ năm 2010-2013. Theo báo cáo Môi trường Quốc gia 2012 “Báo cáo môi trường nước mặt” với số liệu được trích dẫn từ Bộ Y tế, Hà Nam đứng thứ 2 về các bệnh tiêu hóa có liên quan tới nước trong 5 tỉnh/thành thuộc lưu vực sông Nhuệ và là tỉnh có tỷ lệ nhiễm giun ở học sinh tiểu học đứng đầu cả nước (100%). Hơn nữa, làng Yên Lão thuộc xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng của tỉnh được biết đến như là một trong 10 “làng ung thư” ở Việt Nam, với số người chết do ung thư chiếm 60% tổng số người chết trong xã mỗi năm, đáng chú ý, tỷ lệ mắc chết ung thư cơ quan tiêu hóa chiếm cao nhất (37.5%), tỷ lệ nữ mắc ung thư tại làng Yên Lão 7/8 (87.5%).
Thanh Hóa là một tỉnh đông dân thứ 3 của cả nước và là một tỉnh nghèo của Việt Nam. Tỉnh Thanh Hóa đã hợp tác cùng Viện PHAD nhiều năm triển khai dự án Sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng và hàng nghìn người đã được dự án hỗ trợ trong các năm qua. Dự án vẫn đang tiếp tục được triển khai tại Thanh Hóa cho đến năm 2020. Tương tự như làng Yên Lão của Hà Nam, theo báo cáo của Sở Y tế, làng Thọ Vỹ của huyện Nông Cống cũng được biết đến như là một trong 10 “làng ung thư” có nguồn nước ô nhiễm nặng nhất của Việt Nam. Về tình hình bệnh tiêu chảy và kiết lị, báo cáo từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa cho thấy năm 2016, tổng số ca tiêu chảy và hội chứng lị, là những bệnh có liên quan đến việc sử dụng nước không hợp vệ sinh là 14,732 ca trong đó huyện Nông Cống có 762 ca tiêu chảy cấp và hội chứng lỵ, chiếm 0,25%. Trên toàn huyện giai đoạn 1992 – 2008 ghi nhận hơn 292 ca ung thư các loại. Huyện Hà Trung năm 2016 có 352 ca tiêu chảy và hội chứng lỵ, chiếm tỷ lệ 0,29%. Nông Cống và Hà Trung, có ít hơn 10% dân số được sử dụng nước máy còn lại đều sử dụng các nguồn nước bề mặt, nước mưa và nước giếng, đặc biệt các xã nông thôn tại hai huyện Hà Trung và Nông Cống 100% dân số chưa được sử dụng nước sạch.

1.3 Nội dung của dự án
Viện Dân số, Sức khoẻ và Phát triển (PHAD) nhận thấy việc thực hiện giải quyết những khó khăn thách thức về sức khoẻ và nước sinh hoạt ở địa phương chỉ có thể được giải quyết lâu dài và bền vững thông qua việc xây dựng năng lực tại địa phương cũng như việc tăng cường hợp tác giữa các cơ quan đoàn thể tại địa phương song hành với việc ứng dụng khoa học công nghệ và mô hình nhà nước, nhân dân, và doanh nghiệp cùng làm nhằm góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia. Vì vậy, viện PHAD đã đề xuất dự án “Các Hoạt động Địa phương Việt Nam vì Sức khỏe Môi trường”, tên gọi cụ thể “Tăng cường tiếp cận nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh nhằm nâng cao sức khỏe người dân tại bốn xã nghèo thuộc hai tỉnh Hà Nam và Thanh Hoá” với mục tiêu đưa ra một mô hình dựa vào cộng đồng nhằm hỗ trợ và nâng cao sức khoẻ, đặc biệt là giảm các bệnh tiêu hoá và các bệnh liên quan đến nước của người dân tại các xã nghèo vùng nông thôn của Việt Nam. Dự án đã nhận được tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ trong giai đoạn 2017- 2022 và được phê duyệt triển khai thực hiện từ cơ quan chủ quản là Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) qua quyết định số 637/QĐ-LHHVN ngày 22/06/2018. Địa bàn dự án dự kiến triển khai là một số xã nghèo thuộc các huyện Kim Bảng và Bình Lục của tỉnh Hà Nam, và các huyện Nông Cống, Hà Trung của tỉnh Thanh Hóa.
Mục tiêu tổng quát: Giảm tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh như tiêu chảy cấp, kiết lị, thông qua việc nâng cao tỷ lệ bao phủ hộ gia đình có sử dụng nước sạch, nhà vệ sinh sạch, cải thiện kiến thức, thái độ, và hành vi của các tổ chức và người dân địa phương, kết hợp với việc nâng cao kiến thức và năng lực y tế để giải quyết một cách bền vững và thiết thực nhất những khó khăn liên quan đến mô hình bệnh tật có nguồn gốc từ nước sinh hoạt với phương châm “vừa làm – vừa học”.

Các mục tiêu cụ thể:
Mục tiêu trực tiếp
Trong 5 năm triển khai dự án, giảm ít nhất 20% số ca tiêu chảy tại 04 xã can thiệp của dự án tại hai tỉnh Hà Nam và Thanh Hoá thông qua việc cung cấp các giải pháp hỗ trợ người dân có nước sạch sinh hoạt cho 40.000 người dân (tương đương 92% dân số của tỉnh); 100% các trường học, trạm y tế xã đủ nước đảm bảo vệ sinh để uống và bảo đảm vệ sinh môi trường.
Ít nhất 800 hộ nghèo được hỗ trợ áp dụng các công nghệ xử lý nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Nâng cao nhận thức, thái độ, và hành vi của người dân về vệ sinh nước, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, nhằm nâng cao tỷ lệ người dân và hộ gia đình tiếp cận nước sinh hoạt hợp vệ sinh với giá cả phù hợp.

Mục tiêu gián tiếp
Với các kết quả can thiệp của dự án trong việc xử lý nước, cung cấp nước sinh hoạt, nước ăn uống đảm bảo theo QCVN, xử lý nước thải và tăng cường tiệp cận nhà tiêu hợp vệ sinh để cải thiện sức khỏe cho người dân là bằng chứng khoa học giúp các cơ quan có thẩm quyền của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường tham khảo và có thể cập nhật các văn bản và tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam liên quan đến các nguồn nước sinh hoạt, ăn uống để đảm bảo không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
Nâng cao năng lực của các cơ quan, đơn vị đối tác tại địa phương nhằm a) tìm kiếm và ứng phó linh hoạt với những khó khăn thách thức của địa phương đặc biệt vấn đề về xác định nhanh ô nhiễm nguồn nước; và b) hỗ trợ và điều trị các bệnh đường tiêu hoá và các bệnh liên quan đến nguồn nước.
Tìm kiếm, giới thiệu, thử nghiệm, và ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ để a) nâng cao năng lực ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới giải quyết các vấn đề sức khoẻ liên quan đến nguồn nước; b) cung cấp các giải pháp cung cấp nước sạch ở cấp độ gia đình, cụm gia đình và ở cộng đồng.

2. Mục tiêu của nhiệm vụ
Nhiệm vụ của đối tác tham gia dự án là tư vấn cho dự án lập hồ sơ xin cấp phép khoan giếng thăm dò và khai thác trên địa bàn xã dự án tại tỉnh Thanh Hóa nhằm hỗ trợ và đóng góp cho mục tiêu tăng cường tiếp cận nước sạch sinh hoạt của người dân trong các xã, giúp giảm thiểu các vấn đề sức khỏe liên quan đến nước của cộng đồng các xã thuộc địa bàn dự án.

3. Mô tả công việc
Làm việc với Ban Quản lý Dự án để nắm bắt được mục tiêu, các hoạt động của Dự án, yêu cầu của Dự án về việc tăng cường tiếp cận nước sạch sinh hoạt của người dân trong các xã, giúp giảm thiểu các vấn đề sức khỏe liên quan đến nước của cộng đồng các xã thuộc địa bàn dự án và chuẩn bị Kế hoạch thực hiện cho toàn bộ hợp đồng;
Phối hợp với nhóm dự án lập kế hoạch khảo sát địa bàn dự kiến xin cấp phép khoan giếng thăm dò và khai thác nước dưới đất;
Tư vấn lập hồ sơ khảo sát về kinh tế xã hội, dân cư tại khu vực dự kiến xin cấp phép khoan thăm dò và khai thác nước dưới đất;
Tư vấn lập hồ sơ khảo sát địa hình địa mạo, địa chất thủy văn tại khu vực dự kiến xin cấp phép khoan thăm dò và khai thác nước dưới đất;
Tư vấn thiết kế kết cấu giếng thăm dò và khai thác tại khu vực dự kiến xin cấp phép khoan giếng;
Tư vấn lập hồ sơ xin cấp phép khoan giếng thăm dò và khai thác nước dưới đất;
Phối hợp với Ban Quản lý Dự án hỗ trợ và xử lý kỹ thuật khi có vấn đề phát sinh.

4. Yêu cầu sản phẩm
01 bộ báo cáo tình hình kinh tế xã hội, dân cư tại địa bàn dự kiến xin cấp phép được hoàn thiện;
01 báo cáo về địa hình, địa mạo, địa chất thủy văn tại địa bàn dự kiến xin cấp phép được hoàn thiện;
Bản vẽ thiết kế giếng thăm dò nước dưới đất;
01 bộ hồ sơ xin cấp phép khoan giếng thăm dò và khai thác được hoàn thiện;
Bộ hô sơ xin cấp phép khoan giếng thăm dò và khai thác nước dưới đất được phê duyệt bởi chính quyền địa phương;

5. Thời gian và địa điểm
Thời gian thực hiện: từ tháng 11 năm 2018 đến tháng 09 năm 2019.
Địa điểm: các xã nghèo thuộc khuôn khổ của dự án.

6. Sản phẩm mong đợi
01 bộ hồ sơ xin phê duyệt cấp phép khoan giếng thăm dò và khai thác được hoàn thiện;
Quyết định cấp phép cho dự án được thực hiện khoan giếng thăm dò và khai thác của chính quyền địa phương;

7. Kiểm tra và kiểm soát tiến độ
Đối tác được lựa chọn sẽ thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu dưới sự giám sát trực tiếp của Giám đốc Dự án cũng như Ban Quản lý Dự án (QLDA). Đối tác phải thường xuyên báo cáo Ban QLDA/USAID Việt Nam về tiến độ công việc. Sau khi ký hợp đồng, đối tác được lựa chọn, Ban QLDA và USAID sẽ thống nhất về cơ chế và thời gian yêu cầu báo cáo thực tế. Khi đó đối tác sẽ xây dựng kế hoạch công việc chi tiết và phải được sự đồng ý của Ban QLDA và USAID.

8. Kinh nghiệm và trình độ chuyên môn
Đối tác phải có các chuyên gia và kỹ sư với kinh nghiệm và trình độ chuyên môn tối thiểu như sau:
Tối thiểu phải có bằng tốt nghiệp đại học về địa chất, thủy văn môi trường, xây dựng bản đồ xây dựng công trình và các lĩnh vực có liên quan;
Có kinh nghiệm (tối thiểu 5 năm) trong việc đánh giá về địa chất, thủy văn môi trường, xây dựng bản đồ xây dựng công trình và các yếu tố liên quan trong việc xây dựng hồ sơ xin cấp phép khoan giếng thăm dò và khai thác;
Có kinh nghiệm (tối thiểu 5 năm) trong việc thiết kế giếng khoan thăm dò và khai thác nước dưới đất;
Có đầy đủ trang thiết bị và nhân lực để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của dự án;
Các ứng viên quan tâm đến việc tham gia dự án sẽ được tính điểm ưu tiên nếu đáp ứng thêm được các điều kiện sau:
Là đối tác tại địa phương có đăng ký kinh doanh hoặc địa bàn hoạt động nằm trong địa bàn thuộc các xã, huyện, hay tỉnh can thiệp của dự án;
Có cam kết tham gia đóng góp ngày công lao động, nhân lực, trang thiết bị, vật liệu vào thực hiện các hạng mục công việc của dự án.

9. Nộp hồ sơ
Các ứng viên quan tâm xin mời nộp hồ sơ tới:
Văn phòng Ban quản lý Dự án “Các Hoạt động Địa phương Việt Nam vì Sức khỏe Môi trường
Địa chỉ văn phòng giao dịch: Tầng 14, tòa nhà ICON4, số 243A Đê La Thành, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (+84) 247-300-0988
Email: phad@phad.org
Thời hạn nộp hồ sơ: Trước 17 giờ 00 ngày 30 tháng 10 năm 2018.