Đề án “Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người rối nhiễu tâm trí, tâm thần dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 – 2020” (gọi tắt là đề án 1215) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/07/2011. Mục đích của đề án là nhằm đẩy mạnh và tăng cường chất lượng hoạt động trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng cho các đối tượng có RLTT, bao gồm cả những rối loạn nhẹ và bệnh tâm thần mạn tính theo hướng dựa vào cộng đồng và chăm sóc toàn diện. Nhằm hỗ trợ thực hiện thành công Đề án 1215, Bộ LĐTBXH và các bên liên quan đã xây dựng đề xuất Dự án kỹ thuật “Hỗ trợ phát triển hệ thống trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng” (gọi tắt là Dự án hỗ trợ Đề án 1215). Đề án này được thực hiện dưới sự tài trợ của tổ chức Atlantic Philanthropies và đóng góp một phần kinh phí từ MOLISA.
Trong Dự án hỗ trợ kỹ thuật này, mô hình “Sàng lọc và kiểm soát trẩm cảm dựa vào cộng đồng” được thí điểm nhằm thực hiện hóa một phần đề án 1215. Đây là mô hình này được Việt hóa từ Mô hình kiểm soát trầm cảm của trường Đại học Simon Fraser (SFU) của Canada đã được áp dụng thành công tại Canada và hiện đang được ứng dụng thử nghiệm tại huyện Thạch Thất và quận Đống Đa của thành phố Hà Nội dưới sự hỗ trợ của Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) và Đại học SFU. Mô hình được thực hiện nhằm mục tiêu tăng cường và cải hiện hệ thống TGXH, y tế tại tuyến cơ sở cũng như tăng cường sự tham gia của gia đình trong việc sàng lọc, chẩn đoán và xử lý sớm các loại hình trầm cảm nhẹ và vừa ngay tại cộng đồng với các quy trình kỹ thuật không dùng thuốc, hỗ trợ chống tái phát cho các loại hình trầm cảm nặng sau khi được điều trị ổn định.
Theo kế hoạch đã đề ra, mô hình được thí điểm tại 8 phường/xã thuộc 2 quận/huyện của 2 tỉnh là Bến Tre và Thanh Hóa trong giai đoạn 2013 – 2015 để làm cơ sở để Cục Bảo trợ Xã hội – Bộ LĐTBXH cùng với các đơn vị liên quan đưa ra các chính sách triển khai Đề án 1215 trong giai đoạn sau này, từ 2016 đến 2020.